(VOA Tiếng Việt) — Nhiều người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ Mỹ tiếp tục viện trợ Ukraine do bài học xương máu từ Việt Nam Cộng hòa trước đây nhưng do khác biệt đảng phái nên cử tri Dân chủ và cử tri Cộng hòa có mức độ ủng hộ khác nhau, theo tìm hiểu của VOA.
Trong lúc này, Chính phủ Mỹ đang có khả năng phải đóng cửa một lần nữa do Quốc hội chia rẽ về việc phân bổ ngân sách liên bang, trong đó có vấn đề là liệu có tiếp tục viện trợ cho Ukraine nữa hay không. Nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách thì Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đóng cửa bắt đầu vào ngày 1/10 tới vì không còn ngân quỹ hoạt động.
Cho tới giờ, Mỹ là nước ủng hộ tiền bạc nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân Nga xâm lược, vượt xa bất cứ nước đồng minh nào khác với số tiền lên đến hơn 75 tỷ đô la cả viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính, theo thống kê của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ quan nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington D.C. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm hàng tỷ đô la nữa cho Ukraine.
Vì sao phản đối?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi cũng vừa đến Washington D.C. hôm 21/9 để vận động chính giới Mỹ tiếp tục viện trợ. Tuy nhiên, ông đã không được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa sắp xếp cho phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội do ‘không đủ thời gian’, tờ Washington Examiner cho biết.
Một số nghị sỹ Cộng hòa cứng rắn ở Quốc hội muốn ngân sách chính phủ phải cắt giảm chi tiêu, chi nhiều hơn để thắt chặt an ninh biên giới và ngưng viện trợ cho Ukraine luôn, kênh NBC cho biết. Lập luận chính của họ là ‘Tại sao Mỹ phải chi cho Ukraine nhiều như vậy trong khi trong nước còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết?’
“Họ đang chọn Ukraine thay vì người dân Mỹ,” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được NBC dẫn lời lên án phe Dân chủ. “Nếu họ muốn tập trung vào Ukraine chứ không phải biên giới phía nam thì ưu tiên của họ đang đi lùi.”
Tuy nhiên, trong Đảng Cộng hòa vẫn có những tiếng nói ủng hộ Ukraine. Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mitch McConnell không hề nói ông muốn rút số tiền viện trợ cho Ukraine ra khỏi dự luật chi tiêu tạm thời do Thượng viện vừa đề xuất để tránh cho chính phủ đóng cửa đến ngày 17/11, tờ The Hill cho biết.
Tại buổi tranh luận lần thứ hai của các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa hôm 27/9, trong khi bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine thì Thống đốc Florida Ron DeSantis cảnh báo rằng ông sẽ không ký séc thoải mái (blank check) cho Kyiv.
Về phần mình, cựu tổng thống Donald Trump, người đang dẫn đầu đường đua bên Đảng Cộng hòa, nói rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ ‘chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ’ nhưng không nói rõ sẽ làm thế nào. Nhiều người ở Ukraine nghi ngờ rằng ông Trump sẽ chấm dứt viện trợ để buộc Ukraine nhượng bộ Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.
Nói với kênh ABC hồi tháng 7, ông Zelenskyi cho rằng nếu chấm dứt chiến tranh bằng cách buộc Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga thì ông Biden ‘cũng có thể làm được trong vòng 5 phút’.
Ngay cả dự luật cấp ngân quỹ tạm thời mà Thượng viện đưa ra, trong đó có hơn 6 tỷ đô la cho Ukraine, cũng gặp sự phản đối của một số thành viên Cộng hòa. Thượng nghị sỹ Rand Paul đã đe dọa sẽ không bỏ phiếu cho gói ngân sách này nếu không bỏ số tiền cho Ukraine ra, tờ The Hill tường thuật.
Trước đó, khi ông Zelenskyi đang ở Washington D.C., một nhóm 29 vị gồm cả thượng nghị sỹ và dân biểu Cộng hòa, đã gửi một lá thư cho bà Shalanda Young, giám đốc ngân sách của Nhà Trắng, trong đó nói rằng họ phản đối cấp thêm viện trợ cho Ukraine cho đến khi họ được đảm bảo về tính minh bạch của viện trợ, tờ Washington Examiner cho biết.
‘Mong cử tri gốc Việt lên tiếng’
Khi biết được các vị thượng nghị sỹ và dân biểu ký tên vào lá thư phản đối viện trợ cho Ukraine đến từ các tiểu bang có đông người gốc Việt như Texas hay Arizona, bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, chủ tịch Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, hôm 22/9 đã thay mặt hội ra thỉnh nguyện thư kêu gọi các cử tri gốc Việt ký tên ủng hộ Ukraine.
“Tổng thống Ford sẽ nghĩ sao về đảng Cộng Hòa của ông hôm nay? Cử tri Hoa Kỳ sẽ nghĩ sao về những người đại diện họ ở Quốc hội?” thỉnh nguyện thư viết, nhắc lại việc cố Tổng thống Gerald Ford đã xin Quốc hội cấp cho Việt Nam Cộng hòa thêm 722 triệu đô la vào cuối cuộc chiến.
“Người Mỹ gốc Việt thật lo lắng khi việc bảo vệ ngọn đuốc Tự Do không được Quốc hội hết lòng hỗ trợ. Chúng ta có sẵn sàng để mất Ukraine, Biển Đen, Châu Âu và để trật tự thế giới bị lũng đoạn bởi Putin cùng Tập?” thỉnh nguyện thư viết.
Trao đổi với VOA, bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao nói rằng lúc này là ‘thời khắc quan trọng’ trong cuộc phản công của Ukraine và Kyiv ‘đang rất cần sự hỗ trợ của Mỹ’.
“Tôi muốn kêu gọi đồng hương, những người Mỹ gốc Việt cùng ký vào thỉnh nguyện thư. Con số càng lớn thì người ta càng quan tâm,” bà Giao nói và cho biết bà sẽ gửi thư đến các vị nghị sỹ ký tên trong thư phản đối.
Là công dân Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng rằng ‘chiến đấu cho Ukraine là chiến đấu cho tự do’, bà Giao nói khi khi được hỏi tại sao người Mỹ gốc Việt lại cần ủng hộ viện trợ cho Ukraine.
“Nhớ lại ngày xưa vào phút cuối, chính Tổng thống Ford đã yêu cầu Quốc hội viện trợ cho miền nam Việt Nam một sốt tiền để quân đội miền Nam có đủ vũ khí, súng đạn, xăng dầu để tiếp tục chiến đấu nhưng lúc đó Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn. Hệ quả của nó đến bây giờ mình thấy rất rõ. Hoa Kỳ và thế giới tự do đã mất miền nam Việt Nam vào tay cộng sản,” bà Giao, một cử tri Dân chủ hiện đang sống ở bang Virginia, trình bày.
Bà chỉ trích các chính trị gia và cử tri Cộng hòa so đo số tiền thuế đem cho Ukraine là ‘tầm nhìn thiển cận’ vì bà lập luận lợi ích có được được từ số tiền viện trợ đó lớn hơn nhiều so với thiệt hại.
Bà Giao giải thích nếu vì tiếc tiền, không viện trợ thì Mỹ ‘sẽ mất rất nhiều’, không chỉ mất Ukraine mà còn khiến luật pháp quốc tế bị tổn hại vì một nước lớn có thể xâm lược nước nhỏ, trật tự thế giới bị đảo lộn, giá trị của thế giới tự do mất đi và vị thế của nước Mỹ bị tổn hại.
Do đó, theo lời bà thì số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine không chỉ vì lợi ích của Ukraine mà còn ‘vì lợi ích của chính nước Mỹ’.
‘Ủng hộ có điều kiện’
Cùng ý kiến với bà Giao là cần tiếp tục ủng hộ Ukraine, ông Vũ Hoàng Hải, một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Donald Trump ở Quận Cam, bang California, cũng nhắc lại bài học thua cuộc của Việt Nam Cộng hòa trước đây.
“Mình phải ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản, của nước Nga,” ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hải lại ngần ngại khi Mỹ phải ủng hộ Ukraine quá nhiều, nhất là khi cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm. “Không lẽ năm nào nước Mỹ cũng phải bỏ ra mấy chục tỉ? Có phải lãng phí không?” ông đặt vấn đề và cho rằng nước Mỹ ‘không thể giúp Ukraine đến 5 năm hay 10 năm nữa’.
Tổng thống Biden đã từng cam đoan với ông Zelenskyi rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine ‘cho đến khi nào còn cần thiết’. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng Mỹ nên tìm cách kết thúc sớm cuộc chiến ở Ukraine như đề xuất chấm dứt cuộc chiến trong vòng 24 giờ của ông Donald Trump.
Theo lập luận của ông Hải thì nước Mỹ không thể viện trợ cho Ukraine quá nhiều trong khi hỗ trợ cho thảm họa cháy rừng ở đảo Maui, bang Hawaii, chỉ có 700 triệu đô la, hay chỉ cần lấy một phần trong số tiền đã đưa cho Ukraine thì ‘cũng có thể xây dựng bức tường biên giới để ngăn hàng triệu người tràn vào nước Mỹ’.
“Cuộc chiến càng kéo dài thì tất cả đều mỏi mệt, kinh tế thế giới càng đi xuống,” ông lập luận.
Do đó, ông cho rằng viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine ‘phải có điều kiện, có giới hạn và có thời gian’.
“Chúng ta không thể lấy tiền thuế của người dân Mỹ mà rót mãi cho cuộc chiến bên đó.”
Comments