5 người gốc Việt vào hạ viện một tiểu bang ở Mỹ, lần đầu tiên

Từ trái qua phải: hàng trên là Khanh Pham, Hai Pham, Thuy Tran; hàng dưới là Daniel Nguyen và Hoa Nguyen (Ảnh chụp màn hình KOIN.com Thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử có đến 5 người Mỹ gốc Việt giành được ghế trong cơ quan lập pháp của một bang sau bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11. Một trong những vị tân dân biểu này nói với VOA bà hy vọng người Việt ở Mỹ bỏ qua những chia rẽ đảng phái để ủng hộ các ứng cử viên gốc Việt đạt những thành tích cao hơn nữa.

Năm vị tân dân biểu bang Oregon này là các bà Hoa Nguyen ở địa hạt 48, Thuy Tran địa hạt 45, Khanh Pham ở địa hạt 46, và hai ông Daniel Nguyen ở địa hạt 38, Hai Pham ở địa hạt 36. Bà Khanh Pham là dân biểu tiểu bang đương nhiệm tái đắc cử.

Cả năm vị đều là ra tranh cử dưới màu áo đảng Dân chủ tại các hạt Washington, Multnomah và Clackamas của bang Oregon, những nơi có truyền thống bầu cho ứng viên Dân chủ.

Con cái dân tị nạn

“Chúng ta nói rất nhiều về tính đại diện. Chúng ta nói về tính bao gồm, nhưng chỉ khi bạn có những người lãnh đạo giống bạn, có xuất thân tương tự như bạn, nó sẽ khiến bạn cảm thấy mình là một phần của câu chuyện”, dân biểu Daniel Nguyen, người đại diện cho khu vực Hồ Oswego và Tây Nam Portland, nói với trang mạng KOIN của Oregon.

Các vị dân biểu đắc cử này là con cái của dân tị nạn Việt Nam đến Mỹ trong và sau chiến tranh, trong những năm 1970 và 1980.

Dân biểu Khanh Pham là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện bang Oregon vào năm 2020. Các dân biểu cho biết việc phải mất nhiều thời gian như vậy người Mỹ gốc Việt mới nắm được các vị trí lãnh đạo chính trị là bằng chứng cho thấy những thách thức và thành kiến mà họ đối mặt.

“Tôi nghĩ đối với thế hệ đi trước, như cha mẹ tôi, tôi nghĩ họ thực sự sốc, thành thật mà nói. Họ chưa bao giờ tưởng tượng rằng con gái họ hay bất kỳ ai trong gia đình sẽ ra đại diện cho cộng đồng trong chính quyền”, Khanh Pham nói với KOIN.

Năm vị dân biểu gốc Việt trong Hạ viện bang Oregon chiếm tỷ lệ 8%, cao hơn so với tỷ lệ người Mỹ gốc Á ở Oregon là 6%, theo Cục điều tra Dân số Mỹ.

Trong một tuyên bố vào đêm bầu cử, bà Thuy Tran cho biết bà tự hào được cùng với con số kỷ lục những người Mỹ gốc Việt ra tranh cử trong kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022.

“Chiến thắng này không có nghĩa là cuộc chiến dừng lại ở đây. Cơ quan lập pháp bang trong năm tới sẽ phải đối mặt với những trách nhiệm lớn, sẽ phải giải quyết tình trạng vô gia cư, giá nhà ở và chi phí y tế tăng cao, biến đổi khí hậu và đem đến sự an toàn cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Tôi đã sẵn sàng làm việc”, bà Thuy nói.

‘Tranh đấu cho Oregon’

Trao đổi với VOA, bà Thuy Tran, tức Trần Chu Thủy, Trung tá Không quân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, nói y tế, chăm sóc trẻ em, nhà cửa giá phải chăng và giao thông là những ưu tiên của bà khi bà tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9/1 năm sau.

Mục tiêu của bà với tư cách dân biểu, bà nói, là giúp cho người dân trong bang Oregon ‘có đời sống tốt đẹp hơn’.

Dân biểu Thủy Trần cho biết bà ủng hộ ‘chăm sóc sức khỏe phổ quát’ (universal healthcare) để tất cả mọi người dù giàu hay nghèo đều được tiếp cận y tế. Bà cũng chỉ ra tình trạng chi phí giữ trẻ quá đắt đỏ nên nhiều phụ huynh không có điều kiện đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống và giá nhà cửa cao ngất khiến nhiều người ở Oregon không mua nổi nhà.

“Phải có biện pháp làm sao có đủ nhà cửa giá cả phải chăng để người dân có thể mua được”, bà nói với VOA.

Bà cũng quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống ở Oregon làm sao để giúp người dân thuận tiện đi lại đồng thời không gây ô nhiễm không khí quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bà cho biết những ưu tiên này của bà cũng là những vấn đề ‘ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam rất nhiều’. Bà giải thích rằng người Việt rất quan tâm đến việc chăm lo cho con nhỏ, và nhiều người trong số họ dù có đi làm nhưng không có khả năng mua bảo hiểm sức khỏe, trong khi trong cộng đồng Việt Nam ‘rất nhiều người bị bệnh tiểu đường’.

“An toàn cho cộng đồng gốc Á cũng rất quan trọng, nhất là trong thời đại dịch ở bang Oregon đã xảy ra nhiều vụ là tội ác thù hận nhằm vào người Á Đông”, bà Thủy nói.

‘Hãy bỏ qua R hay D’

Là ứng viên Dân chủ trong khi cộng đồng Việt Nam có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, bà Thủy kêu gọi cộng đồng Việt Nam ‘ủng hộ cộng đồng mình thay vì đảng phái’.

“Nếu cộng đồng Việt Nam vì lý do Dân chủ hay Cộng hòa mà không ủng hộ thế hệ trẻ để họ đi những bước đầu ở tiểu bang thì cộng đồng chúng ta không chỉ ở Oregon mà ở trên cả nước Mỹ này sẽ không có tiếng nói ở Washington, D.C.”, bà nói.

Bà lập luận rằng người gốc Việt phải từng bước thắng ở cấp thành phố, hạt, tiểu bang thì mới leo dần lên cấp liên bang. “Khi đó, cộng đồng gốc Việt mới có tiếng nói, mới có tác động lên chính sách đối với Việt Nam”, bà nhận định.

“Thủy xin rằng mọi người hãy bỏ chữ R (Cộng hòa) hay chữ D (Dân chủ) đi. Cộng đồng người Việt phải thương người Việt”.

“Tại sao người Việt mình lại phải chia rẽ? Ủng hộ cộng đồng cao hơn tính đảng phái chứ?”, bà nói thêm.

Bà kêu gọi cộng đồng Việt Nam ‘đừng chụp mũ người này hay người kia là thân Cộng’, ‘đừng nghe những luận điệu trên mạng xã hội’ và ‘đừng ép buộc người trẻ phải theo Cộng hòa’.

Về lý do bản thân bà và những người trẻ gốc Việt khác ra tranh đấu dưới màu áo Dân chủ, bà cho biết: “Y tế, nợ nần nhà cửa, nợ nần sinh viên ai ủng hộ người Việt mình? Có nhiều người Việt vì chiến tranh mà cho rằng đảng này đảng kia ủng hộ cộng sản, trong khi cái mình nên chú ý là đảng nào ủng hộ mình ở hiện tại chứ đừng nhìn về quá khứ nữa”.

‘Người Việt hy sinh cho con cái’

Khi được hỏi về lý do thành công trong kỳ bầu cử lần này của năm người trẻ gốc Việt, bà Thủy nói đó là do người Việt ‘hy sinh tất cả cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn’.

“Nhờ vào sự hy sinh của ba má, ông bà, cô chú mà mình được lo cho học hành đến nơi đến chốn, được nên người để lúc này mình có thể bước ra khỏi những lo âu trong cuộc sống mỗi ngày để lo cho cộng đồng”, bà lý giải.

Bà chỉ ra sự đa dạng của năm vị dân biểu gốc Việt: bản thân bà là bác sỹ nhãn khoa, Hai Pham là nha sỹ, Daniel Nguyen mở nhà hàng, Hoa Nguyen làm trong ngành giáo dục còn Khanh Pham làm trong một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường.

“Năm người chúng tôi là năm đường đi khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ chúng tôi đều có tình thương của gia đình”, bà nói.

“Nếu cộng đồng Mễ, cộng đồng da đen cũng tận tụy với con cái như vậy thì họ cũng sẽ thành công như cộng đồng Việt Nam”, bà nói thêm.

Bà cho rằng các ứng cử viên gốc Việt muốn vươn lên trong đời sống chính trị Mỹ thì ‘phải vượt ra khỏi cộng đồng Việt Nam’ và ‘tranh thủ được sự ủng hộ của các sắc dân khác’.

Bà chỉ ra rằng cuộc đua vào Hạ viện bang của bà chỉ diễn ra ở phạm vi một địa hạt cho dân biểu tiểu bang với số dân không đông. “Nếu ra tranh cử vào Quốc hội liên bang thì cần phải vận động trong bao nhiêu địa hạt như vậy?” bà đặt vấn đề, và cho rằng các ứng cử viên gốc Việt phải bỏ rất nhiều công sức để xây dựng cơ sở (base building), trước khi vươn đến cấp liên bang.

Khi được hỏi lý do dấn thân vào con đường chính trị, bà Thủy nói bà muốn tiếp tục con đường giúp đỡ mọi người như ba má bà đã dạy cho bà từ nhỏ.

“Mình đã từng tham gia Hội Sư tử ở Oregon để giúp những người không thể mua mắt kính hay thiết bị trợ thính, vào quân ngũ để giúp đất nước, đi tình nguyện ở các cơ sở y tế, nhân đạo để giúp đỡ người dân, bây giờ mình vào Hạ viện bang chỉ là con đường để tiếp tục giúp đỡ người dân thôi”, bà giải thích.

Source: VOA TianViet

Comments

タイトルとURLをコピーしました