Gaza: Hành trình từ quá khứ đến hiện tại

Gaza: Hành trình từ quá khứ đến hiện tại Thế giới

Theo báo cáo, 1.200 thường dân Israel, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em từ sơ sinh, đã bị tàn sát trong cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel vào cuối tuần này. Nhiều người Israel còn đang mất tích.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã ra lệnh “bao vây toàn diện” dải Gaza. Ông nói: “Không điện, không thức ăn, không nước, không xăng dầu” cho hơn 2 triệu người Palestine đang sống ở đó dưới sự cai trị của Hamas.

Tin tức từ Gaza đã lan truyền trên mạng xã hội: những cảnh tượng rõ ràng về người Palestine di chuyển trong đống đổ nát đẫm máu sau các cuộc không kích của Israel.

Chính quyền Palestine báo cáo ít nhất 900 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ ngày 7/10 – trong số đó có gần 500 phụ nữ và trẻ em.

Sự cai trị thuộc địa và sự thành lập của Israel

Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman cho đến năm 1917. Năm 1922, Palestine nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh trong gần ba thập niên. Trong những năm đó, làn sóng người Do Thái chạy trốn sự đàn áp tôn giáo đã di cư đến Palestine hàng loạt, chủ yếu là từ Đông Âu, nơi chủ nghĩa Quốc xã đang lên ngôi.

Những người ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã tìm cách tạo ra một ngôi nhà quốc gia cho người Do Thái ở Palestine, trích dẫn mối liên hệ lịch sử với vùng đất Israel trong Kinh thánh. Chính phủ Anh công nhận Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và đưa ra cam kết rằng một quốc gia Do Thái sẽ được thành lập ở Palestine.

Sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Anh trao quyền cho Liên hiệp quốc phân chia Palestine. Năm 1948, Liên hiệp quốc thông qua kế hoạch hai nhà nước nhưng bị các nhà lãnh đạo Ả Rập thẳng thừng bác bỏ. Tuy nhiên, Israel đã tuyên bố thành lập.

Trong Thế chiến Thứ hai, các cường quốc Đồng minh đã bảo đảm cho các nhà lãnh đạo Ả Rập sự độc lập khỏi ách thống trị của thực dân để đổi lấy sự hỗ trợ trong thời chiến. Nhiều người Palestine gốc Ả Rập coi việc thành lập Israel là sự đảo ngược lời hứa đó.

Tháng 5 năm 1948, chiến tranh giữa Israel và 5 quốc gia Ả Rập láng giềng nổ ra. Israel đã giành chiến thắng và mở rộng lãnh thổ của mình một cách đáng kinh ngạc, bao gồm cả Jerusalem – thành phố linh thiêng của cả người Hồi giáo và người Do Thái.

Hàng chục nghìn người Palestine, nhiều người trong số họ đã bị đuổi khỏi làng của mình, chạy trốn đến Gaza, một dải bờ biển hẹp dài 40 km vừa bị quân đội Ai Cập chiếm giữ. Dân số Gaza tăng gấp ba lần lên khoảng 200.000 người khi người tị nạn tràn vào.

Ai Cập bị đuổi khỏi Gaza

Ai Cập cai trị Dải Gaza trong hai thập niên dưới sự chỉ huy của một thống đốc quân sự. Trong thời kỳ đó, người Palestine được tự do làm việc và học tập ở Ai Cập.

Trong nhiều năm, fedayeen, một nhóm người Palestine được gọi là những người đấu tranh vì tự do, đã liên tục thực hiện các cuộc tấn công quân sự vào Israel và gặp phải một số cuộc phản công gây nhiều thiệt hại

Israel chiếm Dải Gaza trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và lật đổ nhà cai trị Ai Cập. Quân đội Israel giám sát lãnh thổ khi một số lượng lớn cư dân Gaza bắt đầu lao động chân tay trong và xung quanh các khu định cư mà người Israel đã dựng lên ngay bên ngoài Gaza.

Chứng kiến vùng đất từng thuộc về họ nay thuộc sở hữu của người Israel khiến nhiều người Palestine đau lòng – và ngày nay “sự chiếm đóng”, như nhiều nhà hoạt động nhân quyền vẫn gọi, là nguồn gốc của sự phẫn uất cay đắng.

Sự ra đời của Hamas

Tình trạng bất ổn dân sự bùng phát vào năm 1987 sau khi một chiếc xe tải của Lực lượng Phòng vệ Israel, hay IDF, đâm vào một chiếc ô tô dân sự, khiến 4 công nhân Palestine thiệt mạng. Người dân ở Gaza coi những cái chết này là một cuộc tấn công được tính toán trước, một tuyên bố mà chính phủ Israel đã bác bỏ. Các cuộc đình công và biểu tình ném đá diễn ra sau đó.

Lợi dụng tình trạng bất ổn, Tổ chức Anh em Hồi giáo, một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni có trụ sở tại Ai Cập, đã tạo ra một nhóm chiến binh phụ ở Gaza có tên là Hamas. Trong một thời gian ngắn, Hamas đã trở thành một thách thức đáng gờm đối với Yasser Arafat, lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine, hay PLO.

Nhiệm vụ được tuyên bố của Hamas là tiêu diệt Israel và thành lập một chính phủ Hồi giáo thay thế. Ngôn ngữ trong hiến chương ban đầu, kêu gọi bạo lực chống lại người Do Thái ở khắp mọi nơi, đã bị lên án rộng rãi.

Hiệp định Oslo

Năm 1993, Israel và PLO đã đồng ý với Hiệp định Oslo, một thỏa thuận hòa bình chưa từng có thành lập Chính quyền Palestine và trao cho cơ quan này quyền hạn chế đối với Gaza và Jericho, một thành phố ở Bờ Tây. Ông Arafat thậm chí còn được phép trở lại Gaza sau cuộc sống lưu vong kéo dài hàng thập niên.

Hiệp định Oslo hứa hẹn một nhà nước, nhưng trong những năm tiếp theo, kế hoạch này đã thất bại do người Palestine bị cáo buộc đã không tôn trọng nhiều điều kiện khác nhau. Khi Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư, Hamas đã giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong số những người dân Gaza đang vỡ mộng.

Thế kỷ 21

Bước sang thế kỷ mới chứng kiến sự rạn nứt giữa Israel và người Palestine ngày càng gia tăng khi các vụ đánh bom liều chết và xả súng hàng loạt của Hamas vào năm 2000 dẫn tới các lệnh giới nghiêm và các trạm kiểm soát trên khắp Gaza.

Chỉ qua một đêm, Israel gần như đã đóng cửa ngành đánh cá ở Gaza, một dấu ấn của nền kinh tế địa phương. Lý do của Israel là Hamas buôn lậu vũ khí bằng tàu đánh cá, được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố.

Đến tháng 8 năm 2005, quân đội Israel đã hoàn toàn rời bỏ Gaza, sơ tán một số khu định cư trên lãnh thổ theo một thỏa thuận được coi là đất đổi lấy hòa bình. Dải đất được bao quanh bởi hàng rào thép gai đã được kích thích bởi hoạt động buôn bán chợ đen. Do thiếu việc làm tại các nhà kho mà Israel đưa vào Gaza, những kẻ buôn lậu đã vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực này qua các đường hầm dưới lòng đất đến Ai Cập.

Trong một tình huống không dự liệu truóc, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Gaza năm 2006 và giành quyền kiểm soát khu vực này từ tay những người trung thành với Arafat.

Hamas đã không tổ chức một cuộc bầu cử nào kể từ đó và Israel đã phong tỏa Gaza trong hơn 15 năm. Liên hiệp quốc vào năm 2009 đã chỉ trích những hạn chế lâu dài là “gây ra sự tàn phá”. Nhưng Israel lập luận rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ những gì ra vào Gaza thì Hamas có thể củng cố sức mạnh của mình bằng cách mua thêm vũ khí sát thương.

Ai Cập cũng đã đặt ra các hạn chế chặt chẽ ở biên giới với Gaza và đã phá hủy các đường hầm nối hai nơi vì lo ngại an ninh quốc gia.

Năm 2014, Hamas phóng rốc-két vào các thành phố của Israel. Israel đã hủy hoại các khu dân cư ở Gaza bằng các cuộc không kích trả đũa. Hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược của NATO, Hamas thường bám trụ ở các trung tâm đô thị và sử dụng lá chắn người trong các cuộc xung đột từ năm 2007.

Việc gì đang xảy ra hôm nay?

Vụ đổ máu mà Hamas gây ra đối với dân thường Israel vào ngày 7 tháng 10, ngày lễ Shemini Atzeret của người Do Thái, đã gây chú ý trên toàn cầu.

Sau khi Hamas xé nát các thị trấn của Israel, nổ súng vào một lễ hội âm nhạc và bắt giữ hàng chục con tin dân sự, Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích, san bằng toàn bộ khu vực lân cận.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Iran đã hỗ trợ Hamas bằng các cuộc tập trận chiến thuật, hướng dẫn cách lắp ráp phi đạn với hệ thống dẫn đường tiên tiến và số tiền lên tới 100 triệu đô la mỗi năm – tất cả đều góp phần vào quy mô lớn của cuộc tấn công này.

Các nhà phân tích cho rằng Israel đang chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Gaza. Ông Jonathan Conricus, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel, nói ngày 7 tháng 10 là “ngày tồi tệ nhất trong lịch sử Israel… vụ 11/9 và Trân Châu Cảng gộp lại làm một”. (VOA)

Comments

タイトルとURLをコピーしました