Việt Nam – Bến đỗ của nhiều tập đoàn lớn

Vietnam Nền kinh tế

Trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định và là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư.

Đây là nội dung trong bài viết có tựa đề “Vượt xa phần còn lại” (Towering above the rest) đăng tải mới đây trên mạng bangkokpost.com.

Bài viết nhận định rằng Việt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi, nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đang thu hút các khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài.

Theo báo Deutsche Welle (Đức) mới đây, phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Đan Mạch.

Việt Nam đang tiến lên nấc thang giá trị gia tăng và nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng cho sản xuất công nghệ. Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple đã thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Hàn Quốc Samsung đã là nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm.

Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025, TechCrunch trích báo cáo của JP Morgan cho hay.

Việt Nam và Ấn Độ được cho là các trung tâm sản xuất quan trọng của “gã khổng lồ” công nghệ Apple trong tầm nhìn tới năm 2025, sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn sản phẩm Apple.

“Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đã là điểm đến chính cho sản xuất AirPods”, báo cáo của JP Morgan cho biết.

Với Việt Nam, dấu ấn của Apple sẽ là một chiến thắng cho đất nước hình chữ S, nơi trong hơn một thập kỷ đã ưu tiên thu hút các thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung và Xiaomi để thiết lập chuỗi cung ứng trong nước. Việc sản xuất ra những thiết bị phức tạp hơn sẽ là một biểu tượng thành công cho ngành sản xuất của đất nước và quyết tâm tham gia chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, theo nhận định của Nikkei Asia.

Vì sao chọn Việt Nam?

Theo bài viết trên trang Sputnik phiên bản tiếng Việt với tựa đề “Vì sao LEGO chọn Việt Nam xây nhà máy tỷ USD?”, ông Preben Elnef – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam nói: “LEGO nhìn thấy những điều kiện tốt nhất để xây dựng một nhà máy hiện đại, phù hợp định hướng sản xuất kinh doanh của tập đoàn với mục tiêu trung hòa carbon. Việc chọn Việt Nam để mở nhà máy, không phải xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy sự phát triển ở thị trường Việt Nam, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở Đông Nam Á và châu Á”.

Tập đoàn đồ chơi khổng lồ LEGO của Đan Mạch đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam – nơi được lên kế hoạch trở thành nhà máy trung tính carbon đầu tiên của công ty.

Công ty năng lượng lớn nhất của Đan Mạch, Orsted, đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho khu trang trại điện gió 3,9 GW rộng lớn ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận của Việt Nam. Các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, một đại diện của công ty cho biết.

Tháng trước, Orsted đã ký một thỏa thuận với một công ty con của PetroVietnam để hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.

Trong tuần, trang Trust Intelligence của Anh có bài báo về báo cáo phân tích kết quả kinh doanh của Quỹ tín thác đầu tư Việt Nam VEIL. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng hấp dẫn đáng kể đối với nhiều nhà đầu tư, ngay cả khi tính đến những khó khăn của môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại. Tăng trưởng GDP có thể đạt được mục tiêu của Chính phủ là 6,5-7% vào năm 2022 và lạm phát, hiện ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển và mới nổi khác.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã vượt qua được những biến động bất lợi toàn cầu như lạm phát, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh và cạnh tranh thương mại tăng cao. Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, đại diện các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những nhận định dành cho kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

“Tôi cho rằng lĩnh vực sản xuất đang là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ hỗ trợ lĩnh vực sản xuất. Với tình hình tài khóa ổn định và lạm phát đang trong mức kiểm soát, dù năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức nhưng Việt Nam có thể đối mặt tốt với điều đó”, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BritCham) tại Việt Nam, đánh giá.

Còn ông Kelvin Teo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sembcorp (Singapore), nhìn nhận: “Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Chính phủ, chính sách kinh tế hợp lý thúc đẩy đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người nước ngoài, chúng tôi đánh giá rất tích cực về triển vọng của Việt Nam”. 

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo mới đây cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nơi được giới kinh doanh Nhật Bản đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ 2 sau Mỹ.

Kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm giá trị gia tăng. Một cuộc khảo sát khác của JETRO với hơn 1.700 công ty tại Nhật Bản cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ về mức độ hấp dẫn đầu tư.

Trang mạng asianinvestor.net của Anh ngày 20/9 cho rằng các nhà đầu tư mạo hiểm đang để mắt đến Việt Nam với tư cách là điểm đầu tư vốn mới nhất.

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), năm 2021, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã huy động được 1,4 tỷ USD thông qua 165 thương vụ, tăng so với con số 894 triệu USD và 126 thương vụ vào năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động đầu tư mạo hiểm đang dần phục hồi sau đợt sụt giảm nhỏ do dịch COVID-19 vào năm 2020.

Đồng sáng lập và là đối tác quản lý của Ascend Vietnam Ventures (AVV), ông Bình Trần đang chú ý đến Việt Nam với tư cách là bệ phóng lý tưởng cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn trang FinanceAsia, ông Bình Trần cho rằng các giải pháp đến từ Việt Nam sẽ không chỉ phục vụ khu vực châu Á đang nổi, mà còn hỗ trợ các công ty hàng đầu trên toàn cầu.

Trong khi đó, bà Marina Tran-Vu, người sáng lập thương hiệu khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam Equo, cũng lưu ý đến lực lượng dân số trẻ của Việt Nam, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và các khoản đầu tư vào đất đai và cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm vì có tiềm năng phát triển hơn nữa để trở thành trung tâm thương mại và sản xuất quốc tế. Điều này đã khiến nhiều tập đoàn đa dạng hóa và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển sang các thị trường Đông Nam Á.

An Bình (tổng hợp) | Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Comments

タイトルとURLをコピーしました